Bộ Nông nghiệp Mỹ là cơ quan chính thức định nghĩa và kiểm soát thuật ngữ "hữu cơ". Điều đó có nghĩa là để được dán nhãn thực phẩm hữu cơ trên bao bì, thực phẩm đó phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định.
Ảnh minh họa. Nguồn: sciencenewsforstudents.org
Nông sản hữu cơ
Nông sản hữu cơ phải được trồng trong điều kiện không sử dụng các chất hóa học và thuốc trừ sâu. Nông dân phải sử dụng các phương pháp tự nhiên để khống chế các loại côn trùng và cỏ dại. Chỉ được sử dụng những loại phân bón tự nhiên, ví dụ như phân xanh. Sau khi thu hoạch, không được bảo quản những nông sản hữu cơ này bằng các chất bảo quản, ví dụ như sáp. Thuật ngữ "hữu cơ" cũng loại trừ các loại thực phẩm đã được thay đổi bằng phương pháp khoa học, chẳng hạn như dưa hấu không hạt.
Mục tiêu của nông nghiệp hữu cơ là làm giảm sự ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường và nâng cao tính bền vững. Bền vững có nghĩa là tập quán canh tác phải là những tập quán dưỡng đất, giúp tăng năng suất và kéo dài thời gian sử dụng.
Các loại thịt và thực phẩm từ động vật hữu cơ
Thịt và thực phẩm từ động vật hữu cơ phải được thu hoạch từ các vật nuôi trong điều kiện tự nhiên. Nghĩa là nông dân cho vật nuôi ăn các loại thực phẩm hữu cơ, nuôi trong điều kiện chuồng trại sạch sẽ và để vật nuôi được tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Không được sử dụng các loại hormone tăng trưởng hay thuốc kháng sinh vốn thường được sử dụng cho vật nuôi "không hữu cơ". Các tập quán canh tác nhìn chung thân thiện với môi trường.
Các loại nhãn hàng hữu cơ
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép nhiều nhãn hàng hữu cơ khác nhau. Bạn có thể gặp một vài nhãn như sau:
- 100% hữu cơ nghĩa là sản phẩm được sản xuất và chế biến chỉ bằng các phương pháp và thành phần hữu cơ đã được chấp nhận. Loại nhãn này thường được sử dụng trên các sản phầm có 1 thành phần duy nhất như trái cây hoặc trứng.
- Sản phẩm hữu cơ chứa ít nhất 90% các thành phần hữu cơ.
- Sản phẩm được làm từ các sản phẩm hữu cơ bao gồm ít nhất 75% thành phần hữu cơ.
- Một vài nhãn khác thường gặp là: Tự nhiên, bền vững và được nuôi bằng cỏ. Chúng ta cần lưu ý rằng các thuật ngữ này không được Bộ Nông nghiệp Mỹ chính thức định nghĩa và kiểm soát. Không có gì bảo đảm rẳng những sản phẩm này có đủ tiêu chuẩn để được phép dán nhãn hàng hữu cơ.
Các sản phẩm hữu cơ có tốt hơn so với sản phẩm thông thường không?
Các sản phầm hữu cơ thường được giới thiệu như một sản phẩm sạch và lành mạnh hơn. Tuy nhiên chúng có thật sự khác biệt hay không?
- Chất dinh dưỡng: Một số loại thực phẩm hữu có thành phần dinh dưỡng giống như những sản phẩm không hữu cơ tương ứng, trong khi một số loại thì có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn. Ví dụ, mặc dù vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm, nhưng dường như một số loại trái cây (như táo) thông thường ở các cửa hàng bách hóa có thể có các thành phần dinh dưỡng giống hệt như trái cây hữu cơ. Các loại thức ăn vặt hữu cơ, như bánh qui hay kem, thì không chứa các thành phần dinh dưỡng đặc biệt nào. Ngược lại, một vài loại trái cây và rau chứa nhiều thành phần khoáng chất vi lượng do sự khác biệt giữa nông nghiệp hữu cơ và không hữu cơ.
- Các thành phần nhân tạo: Đặc điểm khác biệt cơ bản giữa thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ (thực phẩm thông thường) là ở chỗ có tiếp xúc với các hormone tăng trưởng, các thành phần tổng hợp và thuốc trừ sâu hay không. Mặc dù phân bón và thuốc trừ sâu thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm nhưng một số người lo sợ những hậu quả lâu dài mà các chất hóa học nhân tạo này có thể gây ra cho sức khỏe và sự phát triển của con người. Trong khi các bác sĩ vẫn chưa chắc chắn về những vấn đề bệnh tật do phân bón nhân tạo và thuôc trừ sâu gây ra thì việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ có thể làm giảm sự rủi ro tiềm tàng về sức khỏe.
- Hương vị: Bởi thực phẩm hữu cơ không chứa chất bảo quản nên người ta thường mua từ các nông dân địa phương và vì vậy các loại thực phẩm này thường tươi hơn. Chúng cũng không chứa các chất hóa học và hương liệu nhân tạo, nên hương vị tự nhiên hơn. Tuy các nhãn hữu cơ không ghi gì về độ tươi hoặc hương vị tốt nhưng bạn có thể sẽ thấy chúng ngon hơn. Hãy thử các thực phẩm và sản phẩm từ sữa hữu cơ và đưa ra kết luận riêng của bạn về hương vị cùa chúng.
- Môi trường: Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác thân thiện với môi trường. Những nông dân hay trang trại được cấp chứng chỉ cùa Bộ Nông nghiệp Mỹ làm việc để giảm ô nhiễm, tiết kiệm nước và tài nguyên, và giảm xói mòn đất đai. Họ cũng tạo những điều kiện sống tự nhiên hơn cho các vật nuôi. Các nông dân hay trang trại làm nông nghiệp hữu cơ cũng không dùng thuốc trừ sâu, những chất vốn có thể tích tụ theo thời gian và gây hại đến các động thực vật hoang dã. Thực phẩm hữu cơ thường được bán tại các cửa hàng địa phương gần nơi sản xuất nên sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm do không phải vận chuyển hàng hóa đi xa.
- Thời gian bào quản: Do không sử dụng các chất bảo quản, thực phẩm hữu cơ thường không để lâu được như thực phẩm không hữu cơ. Các sản phẩm hữu cơ (đặc biệt là nông sản) có thể mau bị hư hơn.
- Giá cả: Có thể bạn cũng đã biết, các sản phẩm hữu cơ thường đắt hơn thực phẩm không hữu cơ. Điều này phần lớn là do nông nghiệp hữu cơ có chi phí sản xuất cao hơn, cũng như sản phẩm làm ra để cung cấp ra thị trường ít hơn. Nếu có nhiều người dùng thực phẩm hữu cơ hơn, nhiều khả năng giá sẽ giảm xuống. Ở những khu vực có nhiều người thường xuyên mua các sản phẩm hữu cơ thì chi phí có xu hướng dần giảm xuống.
Khi xem xét liệu thực phẩm hữu cơ có phù hợp cho bản thân và gia đình hay không, hãy nhớ rằng không một loại thức ăn nào là thần dược cho sức khỏe của bạn. Nhãn hàng hữu cơ chỉ có nghĩa là các loại thực phẩm đó được sản xuất và chế biến bằng các phương pháp tự nhiên, chứ không bào đảm về các giá trị dinh dưỡng.
Dù mua cái gì, thì bạn hãy chắc chắn kiểm tra thông tin dinh dưỡng trên bao bì.
Tiếp tục thực hiện các qui trình an toàn khi sử dụng thức ăn, bao gồm rửa sạch sản phẩm và để thịt sống riêng rẽ với các loại thức ăn khác trước khi nấu. Hiểu rõ sự thật về thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ có thể giúp bạn có sự lựa chọn tốt và lành mạnh hơn.